Ở Việt Nam, hành tím được trồng ở nhiều nơi, trong đó
trồng tập trung nhiều ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), huyện đảo
Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), huyện Gò Công
(tỉnh Tiền Giang),... Nếu chỉ xét trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng
là tỉnh có diện tích gieo trồng hành tím lớn nhất, trong đó tập trung trồng tại
thị xã Vĩnh Châu.
Tại Vĩnh Châu, cây hành tím được người dân trồng từ rất sớm
và thường gọi nó là “hành tàu”. Năm 1966, hành tím được khuyến khích trồng tại
Vĩnh Châu với tên gọi "củ hành đỏ".
Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu luôn được người tiêu dùng
trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn bởi sản phẩm này có màu sắc đẹp (màu tím
hoặc đỏ nhạt), kích thước và trọng lượng củ lớn trong khi số tép hành/củ hành
nhỏ, vì vậy tép hành to, thuận tiện trong việc chế biến. Đường kính củ hành là
4,40 ± 0,38 (cm), đường kính tép hành là 2,73 ± 0,22 (cm), củ hành có 3,03 ±
0,35 tép hành/củ hành.
Củ hành tím Vĩnh Châu có vỏ củ mượt, độ giòn lớn, mùi cay
nồng nhưng không hắc, sản phẩm có thể để tồn trữ trong một khoảng thời gian dài
mà không cần chất bảo quản nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Những đặc điểm
này có được là do độ ẩm trong củ hành tím cao (độ ẩm là 73,8 ± 2,08 (%), hàm lượng
các hợp chất lưu huỳnh tổng số không nhỏ hơn 723,1 mg/100g.
Một điểm đặc biệt khác nữa của hành tím Vĩnh Châu là độ
ngọt. Hàm lượng đường tổng số trong củ hành tím Vĩnh Châu là 7,5 ± 0,3 (%), độ
Brix là 11,4 ± 0,66 (%).
So với hành tím Lý Sơn và hành tím Ninh Hải, hành tím
Vĩnh Châu rất dễ bị vỡ dập khi ngoại lực tác động, đó là do độ chặt của hành
tím Vĩnh Châu thấp hơn so với hành tím Lý Sơn và hành tím Ninh Hải. Độ chặt của
hành tím Vĩnh Châu là 1,85 ± 0,11 (N).
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hành tím Vĩnh
Châu có được là do điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý phù hợp với sự phát
triển của cây hành tím và kinh nghiệm đã được tích lỹ qua quá trình canh tác,
chế biến của người dân bản địa.
Khu vực địa lý là một thị xã miền duyên hải thuộc tỉnh
Sóc Trăng, chạy dọc theo bờ biển và thuộc vùng cửa sông Hậu. Vật liệu bồi lắng ở
khu vực địa lý chủ yếu là sét, cát, bột mịn và các di tích thực vật, mảnh vỏ
sò,... , là nền tảng hình thành nên loại đất thịt pha cát có hàm lượng sét cao.
Lượng mưa lớn
(trung bình 1.846mm/năm), biên độ nhiệt độ nhỏ (2,8oC) cùng với loại đất thịt
pha cát có hàm lượng sét cao đã giúp cho đất ở thị xã Vĩnh Châu giữ ẩm tốt, thuận
lợi cho cây hành phát triển. Độ ẩm trong đất cao cùng với mùa vụ canh tác dài,
kỹ thuật chỉ lựa chọn giống hành bản địa với các củ hành có màu tím đậm, kích
thước lớn và số tép ít, kỹ thuật tưới nước sát ngày thu hoạch, tất cả các đặc
thù về điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện con người này đã kéo dài thời
gian tích lũy nước và thời gian tích lũy các hợp chất trong đất của cây (đặc biệt
là tích lũy hợp chất lưu huỳnh), vì vậy củ hành tím Vĩnh Châu có trọng lượng,
đường kính tép hành, độ ẩm củ hành, hàm lượng hợp chất lưu huỳnh tổng số đều lớn
hơn hành tím Lý Sơn và hành tím Ninh Hải nhưng mùi hắc thấp hơn. Mối quan hệ giữa
đặc tính của sản phẩm với điều kiện địa lý này còn được chứng minh qua thực tế
hành tím Vĩnh Châu trồng trong vụ chính (thời gian canh tác kéo dài hơn), nên
khi thu hoạch, hành tím vụ chính thường có kích thước, trọng lượng cao hơn so với
hành vụ sớm.
Khu vực địa
lý: Phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Hải, xã Vĩnh Tân, xã Lạc
Hòa, xã Lai Hòa thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
(Bài viết được trích từ nguồn:
http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?OpenAgent&UNID=F01C34CAF52B489C4725840F003F2021).
Nguyễn
Phạm Thu Hiền (tổng hợp)